Tin tức

VIDIC NÓI VỀ MAN UTD, FERDINAND VÀ… VAN DIJK

13-04-2023

VIDIC NÓI VỀ MAN UTD, FERDINAND VÀ… VAN DIJK

Một ngày mưa tháng 4/2022, Vidic hẹn phóng viên của The Athletic ở khu vực Tòa nhà Quốc hội Belgrade. Anh đi bộ, cầm theo một chiếc ô lớn. Cựu danh thủ Serbia gợi ý dùng bữa và trò chuyện ở một quán ăn địa phương trên Đại lộ King Alexander, một điểm đến “nằm lòng” của cộng đồng dân du mục.

Sau 18 năm sống xa Serbia, vợ chồng Vidic và ba cậu con trai chào đời tại Manchester giờ đang tận hưởng những khoảng thời gian ở quê nhà. Ở tuổi 40, Vidic vẫn giữ liên lạc với những nhân vật quan trọng tại United. Cựu trung vệ MU đã lấy được bằng huấn luyện của LĐBĐ Anh và bằng thạc sĩ UEFA MIP (UEFA Executive Master for International Players – một chương trình học của UEFA trang bị cho các cựu cầu thủ kỹ năng quản lý và huấn luyện).

Vidic gọi một ly rượu mạnh Rakija để khai vị trước bữa ăn. “Hồi ở United, chúng tôi chỉ nhậu khi ăn mừng một chức vô địch nào đó. Vậy là hình như cũng hơi nhiều thì phải”, Vidic cười phá lên. Rồi anh nói say sưa về chiến thuật, có lúc còn xin thêm một chiếc đĩa mới để bày mấy hạt đậu lên, giảng giải về các sơ đồ khác nhau.

Mitten sau đó dẫn lời một cựu cầu thủ MU ở thế hệ trước Vidic, cho rằng đội bóng khi đó giống một hội anh em ăn nhậu có nhau, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Vidic lại không nghĩ như vậy sau những năm chơi bóng tại Old Trafford.

“Không. Anh nghĩ tôi yên mến tất cả 24 cầu thủ trong phòng thay đồ ư? Không hề”, Vidic chia sẻ. “Chúng tôi hiếm khi đi chơi cùng nhau, không có cả văn hóa ăn nhậu, trừ khi giành được cúp. Với các đồng đội, gặp nhau trên sân tập và sân đấu là đủ nhiều, tôi tôn trọng họ, nhưng tôi không có nhu cầu gặp gỡ họ nhiều hơn. Thời gian tôi ở bên các đồng đội khi đó còn nhiều hơn với gia đình. Lịch thi đấu có giai đoạn rất căng”.

“Khi đó chúng tôi có 12 quốc tịch khác nhau trong phòng thay đồ. Tất nhiên, hội Pháp đi với nhau, hội Tây Ban Nha cũng có nhóm riêng, mấy ông Bồ Đào Nha cũng vậy. Mấy cậu người Anh thì hóm vô cùng. Người ở Carrington thậm chí còn hỏi tôi có muốn ăn đồ Serbia không. Tôi cảm thấy được chào đón ở đó. Cả gia đình tôi cũng vậy. Vợ tôi dạo này còn bảo cô ấy nhớ những trận đấu ở Old Trafford. Biết nói gì đây? Tôi cũng vậy. United là những kỷ niệm đẹp”.

Khi Mitten gặng hỏi Vidic những đồng đội mà anh thân nhất ở MU hồi đó, cựu danh thủ nêu 4 cái tên: “Rio (Ferdinand), Edwin (van der Sar), Robin (van Persie) và Michael (Carrick). Có vài lần tôi ra ngoài ăn tối với bọn họ. Khi gia nhập MU, tôi đã trưởng thành hơn trước, bỏ lại một thời thác loạn ở Moscow và Serbia rồi. Được có mặt trong đội bóng lớn nhất thế giới thì nên ngưng làm mấy trò ngu ngốc. Tôi may mắn khi đã có tận 8 năm ở Old Trafford”.

Vidic kể thêm về hành trình sự nghiệp tại MU, những người để lại nhiều ảnh hưởng đến anh, và triết lý để tạo nên một tập thể tốt: “Tôi năm 22 tuổi rất khác so với tôi năm 30 tuổi, nhưng tôi luôn tin vào Ferguson, tin vào cá tính vĩ đại của ông ấy. Những người có cá tính như vậy cần phải đứng đầu đội bóng. Họ nên là những người không dễ thỏa hiệp, những người luôn đặt đội bóng lên hàng đầu. Mọi thứ phải có tôn ti trật tự. Ai cũng cần phải biết vị trí của mình ở đâu”.

“Khởi đầu của tôi ở MU không có gì hoành tráng cả. Hồi mới đến tôi bị chuyển xuống chơi cùng đội dự bị. Nhưng tôi đã lao động chăm chỉ để dần dần vươn lên, trở thành thủ quân của đội một. Tôi may mắn khi có được hai người đá cặp ăn ý trong sự nghiệp, Mladen Krstajic ở ĐT Serbia và Rio Ferdinand ở MU. Sự tin tưởng lẫn nhau là điều then chốt, nhưng nó không đến dễ dàng. Anh phải góp nhặt nó từng chút một. Khi anh theo đuổi sự hoàn hảo, và rồi nhìn thấy người ở bên cạnh anh cũng đang làm điều tương tự, cả hai sẽ từ từ cởi mở và tin tưởng nhau”.

“Một cặp trung vệ nếu muốn trở nên ăn ý, phải liên tục được chơi cùng nhau. Không thể tạo nên sự tin tưởng nếu hàng thủ bị thay đổi như chong chóng. Rio và tôi lúc nào cũng bám lấy nhau. Cũng có ngày hay ngày dở. Nhưng chúng tôi luôn trao đổi, truyền tải những gì diễn ra trong trận đấu và tìm cách cải thiện. 90% những gì chúng tôi nói với nhau liên quan đến bóng đá. Cả hai chúng tôi đều muốn biết người kia đang nghĩ gì. Rio là người chân thành, quyết liệt, thích trò chuyện. Khi tôi đến, anh ấy đã trải qua 3 năm trắng tay ở United và đang khát khao có một người đá cặp. Sau khoảng 6-12 tháng, mọi thứ bắt đầu vào guồng, chứ không có chuyện ngay lập tức đâu”.

Vidic đưa ra một ví dụ khác về sự tin tưởng giữa các đồng đội: “Bóng đá không giống chơi cờ. Đó là trò chơi của những hoạt động liên tục. Các hậu vệ cánh cũng nên biết khi nào họ phải dâng cao. Nếu tôi nói với Patrice (Evra) rằng hãy dâng cao đi, thì có nghĩa là tôi có thể bọc lót cho cậu ấy. Một khi dâng cao, Patrice muốn làm gì thì làm. Và cậu ấy có quyền trách tôi nếu tôi để xảy ra vấn đề xuất phát từ vị trí mà cậu ấy bỏ lại. Tất nhiên, để có được sự hiểu nhau đó thì cần thời gian”.

Ngoài ra, Vidic dành một vài lời khuyên cho hậu bối Harry Maguire, người đang trải qua một giai đoạn khó khăn tại MU: “Thật khó để chơi tốt khi anh bị áp lực quá lớn, bởi đối thủ sẽ chờ anh mắc sai lầm. Maguire đang ở trong tình trạng này. Cầu thủ hoàn toàn có thể nói với huấn luyện viên rằng anh ta cảm thấy không ổn. Huấn luyện viên có thể cho anh ta nghỉ ngơi, dùng ở những trận ít quan trọng, rồi sau đó là những trận quan trọng hơn”.

Sau cùng, cựu danh thủ Serbia dành lời khen cho Virgil van Dijk, trung vệ đắt giá thứ hai thế giới: “Van Dijk là một trong những trung vệ xuất sắc nhất. Cậu ấy mạnh về thể chất và không chiến, rất có năng lực. Cậu ấy đã trưởng thành vượt bậc kể từ lần đầu tiên tôi xem cậu ấy chơi bóng ở Celtic. Cậu ấy cũng may mắn khi được góp mặt trong một đội bóng tốt nữa. Điểm yếu duy nhất: cậu ấy đầu quân nhầm câu lạc bộ rồi!”